HomeLuyện thi chứng chỉIOE Lớp 4Cooperative learning (Học tập hợp tác): 5 chiến lược học hợp tác...

Cooperative learning (Học tập hợp tác): 5 chiến lược học hợp tác đơn giản, dễ ứng dụng

Ngày nay, những bài giảng truyền thống dài miên man khó lòng thu hút sự chú ý của học sinh thời 4.0. Vì vậy, cooperative learning (học tập hợp tác) ra đời nhằm cải tiến trải nghiệm dạy và học của thầy cô giáo và học sinh lên một tầm cao mới. Thực tế, học tập hợp tác có đơn thuần chỉ là học nhóm? Làm thế nào để ứng dụng phương pháp này đúng cách? Trong bài viết này, FLYER sẽ giải đáp cooperative learning là gì và gợi ý 5 chiến lược học tập hợp tác thầy cô dễ ứng dụng trong mọi bối cảnh. 

1. Cooperative learning (học tập hợp tác) là gì?

1.1. Khái niệm

Cooperative Learning (Học tập hợp tác)
Cooperative learning (Học tập hợp tác) là gì?

Cooperative learning (Học tập hợp tác) là khi học sinh làm việc cùng nhau trong một bài tập hoặc một dự án mang tính học thuật và xã hội dưới sự hướng dẫn của giáo viên. Nhóm học tập hợp tác có thể được chia thành các nhóm nhỏ hơn với chức năng, nhiệm vụ khác nhau. Quy mô của một dự án học hợp tác rất đa dạng: từ một trò chơi, một bài tập nhỏ cho đến một dự án lớn.

Một môi trường học tập hợp tác cần thỏa mãn 3 điều:

  • Đủ an toàn để học sinh thoải mái chia sẻ, đủ thách thức để thu hút sự tham gia
  • Các nhóm đủ nhỏ để mọi người đều có thể tham gia đóng góp 
  • Nhiệm vụ được xác định rõ ràng.

1.2. Mục đích

Học sinh càng hợp tác nhiều, năng suất học tập càng được cải thiện. Trong quá trình học tập hợp tác, người học không chỉ được kết nối với nhau mà còn tự chịu trách nhiệm cho việc học của mình. Sau đây là một số mục đích chính của văn hóa học tập hợp tác trong lớp học:

Tiếp thu và phát triển các kỹ năng sống cần thiết như: quản lý thời gian, lãnh đạo, giải quyết vấn đề,…;
Chia sẻ thông tin bổ ích;
Tăng khả năng chịu đựng và chấp nhận sự đa dạng (về tính cách, lứa tuổi, tôn giáo, kiến thức,..);
Cải thiện chất lượng sản phẩm học thuật và trải nghiệm học tập (ở mọi lĩnh vực như bài thuyết trình, dự án tốt nghiệp, bài luận,…) của học sinh.
Mục đích chính của cooperate learning

2. Cooperative learning với collaborative learning khác nhau thế nào?

Một số thầy cô thường nhầm lẫn giữa cooperative learning (học tập hợp tác) và collaborative learning (học tập có tính hợp tác) bởi một số điểm tương đồng nhất định giữa hai phương pháp này. Những điểm chung nổi bật có thể kể đến là:

Sự tham gia tích cực của học sinh;
Học sinh chịu trách nhiệm về việc học và kết quả học tập ở một mức độ nhất định;
Giáo viên là người hướng dẫn;
Yêu cầu học sinh hoàn thành nhiệm vụ/ dự án;
Phát triển kỹ năng xây dựng nhóm và khuyến khích giao tiếp xã hội;
Tạo trải nghiệm học tập thú vị;
Tôn trọng sự đa dạng (về mặt tính cách, ý tưởng,…) của học sinh.
Điểm chung của cooperative learning và collaborative learning

Mặt khác, cooperative learning và collaborative learning cho thấy một vài điểm khác biệt trong cách thức hoạt động. Những điểm này được thể hiện ngắn gọn trong bảng so sánh dưới đây:

Cooperative learningCollaborative learning
Trọng tâmPhân công nhiệm vụ và nỗ lực cá nhân để đạt mục tiêu chungSự tham gia và hợp tác của nhóm để cùng giải quyết vấn đề
Sự tương tácCác cá nhân nỗ lực tham gia tích cựcSự phụ thuộc lẫn nhau, tương tác để tạo điều kiện thành công
Tài nguyênGiáo viên cung cấp thêm nếu cầnHọc sinh tự tìm nguồn tham khảo
Mục tiêuHoàn thành các dự án phức tạpĐạt được mục tiêu học tập chung
Vai trò của giáo viênQuan sát, lắng nghe và can thiệp khi cần thiếtChỉ can thiệp khi nhóm cần hỗ trợ
Ví dụMột nhóm học sinh thảo luận về một câu hỏi liên quan đến bài giảngMột nhóm học sinh chuẩn bị cho bài thuyết trình với nhiệm vụ được phân công rõ ràng:
– Người thuyết trình
– Người làm slides
– Người tổng hợp nội dung
Điểm khác biệt giữa cooperative learning và collaborative learning

Tóm lại, học tập hợp tác (cooperative learning) là quá trình phân công nhiệm vụ cho từng cá nhân và các cá nhân cùng nỗ lực để đạt mục tiêu chung. Trong khi đó, học tập mang tính hợp tác (collaborative learning) là quá trình tham gia tích cực và cùng nhau nỗ lực giải quyết vấn đề. 

3. Vì sao học tập hợp tác có hiệu quả?

Cooperative Learning (Học tập hợp tác)
Vì sao học tập hợp tác có hiệu quả?

Cooperative learning hoạt động dựa trên “lý thuyết phụ thuộc lẫn nhau về mặt xã hội” (social interdependence theory) của con người. Lý thuyết này cho rằng: Sự phụ thuộc lẫn nhau về mặt xã hội tồn tại khi hành động của một hoặc nhiều cá nhân ảnh hưởng đến kết quả cuối cùng.

Tương tự về mặt giáo dục, kết quả học tập phụ thuộc vào toàn bộ thành viên trong nhóm. Để hướng đến mục tiêu chung, học sinh cần đoàn kết, tận dụng các nguồn lực và kỹ năng của nhau để đạt kết quả kỳ vọng. 

4. Vì sao thầy cô nên chọn học tập hợp tác?

Cooperative Learning (Học tập hợp tác)
Vì sao thầy cô nên chọn phương pháp học tập hợp tác?

Học tập hợp tác được chứng minh rằng sẽ thúc đẩy học sinh giao tiếp tốt hơn, chấp nhận các khía cạnh mạnh/ yếu của bản thân và bạn bè, tăng khả năng tương trợ cao và tư duy chiến lược giữa các cá nhân trong nhóm (Theo David và Roger Johnson, năm 1975).

Một số kỹ năng nổi bật học sinh có thể đạt được trong quá trình học tập hợp tác:

Kỹ năngMô tả
Giao tiếpCó thể đạt được khi học sinh thảo luận, các em sẽ học được cách lắng nghe và nêu quan điểm một cách ngắn gọn, dễ hiểu.
Giải quyết xung độtLàm việc nhóm không tránh khỏi bất đồng, học sinh có thể học cách giải quyết bất đồng theo hướng tích cực và mang tính xây dựng.
Lãnh đạoMột hoặc nhiều học sinh có thể đảm nhận vai trò lãnh đạo, các nhà lãnh đạo sẽ luyện tập phân bổ nhiệm vụ và nguồn lực.
Học sâuMỗi thành viên nhóm đều có những ý tưởng và cách tiếp thu khác nhau, giúp học sinh mở rộng góc nhìn và tư duy cao hơn trong lúc thảo luận.
Tính độc lậpHọc sinh học cách không dựa vào sự giám sát của giáo viên để hoàn thành nhiệm vụ, các em hiểu rõ hành động của mình có thể ảnh hưởng đến cả nhóm.
Làm việc nhómHọc sinh biết được thế mạnh của nhau và giúp đỡ nhau cải thiện mặt yếu kém.
Kỹ năng học sinh đạt được khi học tập hợp tác

Đối với giáo viên, giải pháp học tập hợp tác giúp thầy cô không còn “mắc kẹt” với giáo án và bài giảng suốt cả tiết học. Thay vào đó, thời gian giảng bài trên lớp có thể được giải phóng bằng việc tổ chức các hoạt động nhóm bổ ích, thúc đẩy tương tác với học sinh và hiểu sâu hơn về năng lực tư duy của các em thông qua những thành phẩm sau quá trình học nhóm.

Thầy cô tham khảo thêm: Adaptive learning (Học tập thích ứng) hỗ trợ thầy cô như thế nào trong việc giảng dạy?

5. Vai trò của giáo viên trong học tập hợp tác là gì?

Cooperative Learning (Học tập hợp tác)
Vai trò của giáo viên trong học tập hợp tác là gì?

Nhiệm vụ chính của giáo viên trong quá trình học hợp tác là đảm bảo học sinh bám sát mục tiêu học tập và tập trung vào nhiệm vụ của mình. 

Trong quá trình học tập hợp tác, người học rất dễ lạc đề và bắt đầu trò chuyện, vui chơi thay vì cùng nhau thảo luận hay nghiên cứu. Do đó, thầy cô cần quan sát các nhóm học tập và can thiệp kịp thời khi nhận thấy có dấu hiệu thiếu tập trung.

Trường hợp có quá nhiều nhóm trong lớp học, thầy cô khó lòng để mắt tới tất cả các nhóm cùng một lúc. Tuy nhiên, giáo viên vẫn cần làm đúng trách nhiệm của mình và đi kiểm tra các nhóm bất cứ khi nào có thể để hướng dẫn các em đi đúng hướng.

6. Cooperative learning: Học tập hợp tác có những loại hình nào?

Trên thực tế, sự hợp tác giữa các học sinh trong lớp sẽ hiếm khi diễn ra một cách tự nhiên. Vì vậy, giáo viên phải nỗ lực thực hiện các bước để gắn kết học sinh với nhau.

Có 3 loại hình học tập hợp tác phổ biến:

Loại hình học tập hợp tác

Đặc điểm

Thời gian

Ví dụ

Học tập hợp tác chính thức

  • Giáo viên giao nhiệm vụ và dự án lớn cho các nhóm để kết thúc một khóa học. 
  • Thành viên trong nhóm biết rõ mình phải làm gì và hợp tác cho đến khi dự án hoàn thành. 

Vài tuần – vài tháng

  • Dự án tốt nghiệp, 
  • Dự án nghiên cứu khoa học
  • Dự án thiết kế thời trang

Học tập hợp tác không chính thức

Thành lập các nhóm trong thời gian ngắn để hoàn thành nhiệm vụ trước mắt.

Thường diễn ra trong ngày

  • Học sinh được chia nhóm theo màu áo và đến các địa điểm di tích lịch sử để nghiên cứu, tham quan theo bản đồ được phát
  • Thảo luận nhóm trong vòng 5 phút

Học nhóm

  • Các nhóm được chia ngay từ đầu và bám sát cho đến cuối khóa học
  • Phổ biến trong các tổ chức giáo dục, công ty.

Lâu dài, theo nhiệm kỳ

  • Các tổ trong lớp học
  • Các nhóm học thêm tự phát
  • Các ban trong trường: Ban kỷ luật, ban công tác xã hội, ban sự kiện, hội học sinh,…

3 loại hình học tập hợp tác phổ biến

7. Ví dụ điển hình của học tập hợp tác

Ví dụ 1:

Hỗ trợ: Học sinh giỏi A được ghép đôi với học sinh học lực trung bình B để cải thiện điểm số. Nhiệm vụ của A là ứng dụng kiến thức bằng cách giảng lại một cách dễ hiểu cho B, B sẽ tập trung lắng nghe và ứng dụng trong quá trình làm bài tập.

Ví dụ 2: 

Thảo luận cặp:  Giáo viên đặt câu hỏi cho các nhóm, mỗi học sinh có 2 phút để suy nghĩ câu trả lời. Sau đó, các em chia sẻ cho bạn cùng nhóm và đại diện nhóm chia sẻ ý tưởng với cả lớp.

Ví dụ 3: 

Nhóm không chính thức: Học sinh trong lớp tiếng Anh làm việc theo nhóm nhỏ và tạo dựng một đoạn hội thoại bằng tiếng Anh. Các thành viên cùng nhau tham gia và tự phân công lời thoại.

Ứng dụng nhóm không chính thức trong lớp học:

Ví dụ 4:

Đồng nghiên cứu: Các sinh viên trong khóa học quản trị khách sạn làm việc cùng nhau để thiết kế một bản khảo sát về mức độ hài lòng của khách hàng, sau đó thực hiện khảo sát tại sân trường và phân tích kết quả.

Ví dụ 5: 

Đóng vai: Giáo viên môn văn cho phép học sinh tự lập nhóm, sau đó giao cho từng nhóm một kịch bản dựa trên một câu chuyện văn học. Các nhóm học sinh cần dựng nên một vở kịch ngắn và diễn lại trước lớp ở tiết học tiếp theo.

Ví dụ 6: 

Học nhóm chính thức: 4 tổ phân theo 4 dãy bàn được phát một tờ giấy A0 và cùng nhau vẽ một sơ đồ tư duy (mindmap) thống kê lại kiến thức của buổi học. Trong nhóm này, từng thành viên sẽ cùng đóng góp ý kiến và chỉ định một người vẽ sơ đồ, một người trình bày ý tưởng trước lớp.

Ứng dụng học tập hợp tác trong thực tế:

Ví dụ 7:

Làm việc nhóm cạnh tranh: Trường học tổ chức cuộc thi hội trại mừng ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, mỗi lớp phải tự dựng trại, trang trí và thuyết trình ý tưởng của mình. Lớp đạt điểm số cao nhất sẽ được trao giải thưởng.

Trong hoạt động này, từng lớp cần chia thành các nhóm nhỏ với nhiệm vụ khác nhau như: 

  • Nhóm lên ý tưởng
  • Nhóm trang trí
  • Nhóm dựng trại
  • Nhóm chuẩn bị đồ ăn, đồ uống.

Ví dụ 8:

Trò chơi trong lớp: Các nhóm xếp thành các hàng, từng thành viên truyền tay nhau một viên phấn và thay nhau viết lên bảng lớn những từ vựng tiếng Anh bắt đầu bằng chữ C nhiều nhất có thể. Nhóm nào có số từ hợp lệ nhiều nhất là người thắng cuộc.

Xem thêm: Top 7 trò chơi trong lớp “khuấy động” các giờ học tiếng Anh

8. 5 yếu tố giúp phương pháp học tập hợp tác thành công

Để thực sự thấy được lợi ích của việc học tập hợp tác, học sinh cần sẵn sàng tham gia vào quá trình này. Theo Brown và Ciuffetelli Parker (2009) và Saltala (2010), có 5 yếu tố cơ bản cần thiết trong học tập hợp tác đó là:

Cooperative Learning (Học tập hợp tác)
5 yếu tố giúp học tập hợp tác thành công

8.1. Sự phụ thuộc lẫn nhau tích cực

Yếu tố này chỉ đạt được khi tất cả thành viên trong nhóm hiểu rằng họ đang “chung một chiếc thuyền”, họ cần cùng nhau “chìm” hoặc cùng nhau tìm đích đến. 3 hoạt động chính để đạt được yếu tố này:

  • Phân công nhiệm vụ cho từng thành viên
  • Phân công vai trò (nhóm trưởng, nhóm phó,…)
  • Chia sẻ tài liệu.

8.2. Trách nhiệm cá nhân và nhóm

  • Mỗi học sinh chịu trách nhiệm trong một nhiệm vụ cụ thể đã được phân công. Đồng thời phải hiểu tuyến nội dung mình phụ trách cũng như nội dung của toàn bài.
  • Mỗi học sinh cần nắm vững tiến độ của dự án (ngay cả phần nội dung của thành viên khác).
  • Người lãnh đạo cần đánh giá hiệu suất của từng cá nhân, các thành viên có thể đánh giá chéo.

8.3. Sự tương tác tích cực

  • Thành viên trong nhóm nên động viên và thúc đẩy nhau hoàn thành nhiệm vụ.
  • Khi chưa hiểu một vấn đề nào đó hoặc gặp khó khăn trong quá trình học tập, các thành viên cần cởi mở chia sẻ và tiếp thu kiến thức/ lời góp ý từ thành viên khác.
  • Nhóm trưởng đóng vai trò quan trọng trong việc giữ liên lạc với các thành viên nhóm để đảm bảo mọi việc nằm trong tầm kiểm soát.
  • Các nhóm cần giao tiếp với giáo viên nếu quá trình học tập hợp tác đang xảy ra xung đột và các thành viên không thể tự giải quyết.

8.4. Xử lý nhóm

  • Học sinh các nhóm thường xuyên gặp gỡ, thảo luận về mức độ tiến bộ mà các em đạt được đối với mục tiêu.
  • Thành viên nhóm thoải mái giao tiếp, bày tỏ những quan ngại và khen ngợi những thành tích đạt được.

8.5. Kỹ năng xã hội

Trong một nhóm học tập hợp tác, để đạt được một mục tiêu cụ thể, mỗi thành viên bắt buộc phải có một số kỹ năng mềm. Một vài trong số đó là:

Khả năng lãnh đạo
Khả năng ra quyết định
Giao tiếp
Quản lý và giải quyết xung đột
Xây dựng niềm tin
Có trách nhiệm cá nhân và trách nhiệm tập thể
Kỹ năng xã hội cần thiết để học tập hợp tác thành công

Một cá nhân hội tụ toàn bộ những kỹ năng phức tạp trên là rất khó ở độ tuổi học sinh. Tuy nhiên, các em có thể tương trợ, “bù trừ” lẫn nhau để đi đến kết quả cuối cùng.

Lưu ý: Cả 5 yếu tố trên đều tối quan trọng để quá trình học tập hợp tác diễn ra thành công. Mặc dù vậy, yếu tố “trách nhiệm” có khả năng quyết định toàn bộ hiệu suất. Học sinh có trách nhiệm cao đi kèm với sự tự giác, biết thúc đẩy bản thân học tập và làm việc. Thầy cô có thể rèn luyện khả năng này trong lớp học bằng cách thường xuyên trao quyền cho học trò, đồng thời tích cực tương tác, chia sẻ về vai trò quan trọng của các em trong hành trình học tập cũng như tương lai sau này.

9. 5 chiến lược ứng dụng học tập hợp tác thiết thực, hiệu quả

Không giống như một số phương pháp phức tạp khác, cooperative learning (học tập hợp tác) đơn giản và dễ ứng dụng trong nhiều bối cảnh. Dưới đây là một vài chiến lược học tập hợp tác hiệu quả FLYER gợi ý đến thầy cô:

Cooperative Learning (Học tập hợp tác)
5 chiến lược ứng dụng học tập hợp tác
Cooperative Learning (Học tập hợp tác)
5 chiến lược ứng dụng học tập hợp tác

9.1. Tranh luận 

Cách hoạt động

Kỹ năng cần ứng dụng

Thầy cô chia lớp học thành 2 nhóm, một nhóm phản đối và nhóm còn lại ủng hộ một ý kiến nào đó. Các nhóm buộc phải giải thích vì sao đồng tình/ không đồng tình và đưa ra một số đề xuất nếu có.

  • Tư duy phản biện
  • Diễn đạt
  • Tổng hợp, phân tích, sắp xếp thông tin
  • Tư duy sâu

Hoạt động tranh luận nhóm:

9.2. Viết

Chiến lược này tập trung vào các vấn đề có thể được giải quyết thông qua nhiều giải pháp hoặc để suy nghĩ các ý tưởng (brainstorm).

Cách hoạt động

Kỹ năng cần ứng dụng

  • Nhóm 3 – 5 người thảo luận về một chủ đề nào đó thông qua việc xem video, đọc văn bản, nghe diễn giả trình bày,…
  • Các thành viên lần lượt ghi giải pháp/ ý tưởng và truyền cho thành viên khác
  • Những điểm được ghi trên giấy sẽ được thảo luận trong nhóm
  • Giao tiếp
  • Làm việc độc lập
  • Đọc hiểu
  • Sáng tạo

9.3. Khuyến khích các sự kiện, hoạt động tập thể ngoài giờ

Học tập hợp tác không nhất thiết phải diễn ra trong bối cảnh trường lớp. Thầy cô có thể mở rộng không gian làm việc nhóm như quán cà phê, bảo tàng di tích lịch sử, công viên, hội họp trực tuyến,…

Những môi trường thân mật này giúp học sinh dễ làm quen và hình thành mối liên kết tốt hơn.

Một số hoạt động tập thể diễn ra bên ngoài “trường lớp”:

9.4. Suy nghĩ và chia sẻ theo cặp

Cách hoạt động

Kỹ năng cần ứng dụng

  • Giáo viên đặt một câu hỏi để học sinh suy nghĩ câu trả lời
  • Học sinh viết câu trả lời một cách im lặng và độc lập
  • Học sinh ghép cặp với bạn học và cùng thảo luận về ý tưởng của mình
  • Sau đó giáo viên gọi một học sinh bất kỳ để chia sẻ câu trả lời của mình
  • Tư duy sâu
  • Diễn đạt 
  • Giao tiếp

9.5. Kỹ thuật ghép hình

Đây là chiến lược phổ biến tại các trường trung học và đại học Việt Nam, đòi hỏi học sinh vận dụng nhiều kỹ năng xã hội để đạt kết quả cao nhất.

Cách hoạt động

Kỹ năng cần ứng dụng

  • Mỗi học sinh tựa như một “mảnh ghép” được phân công một nhiệm vụ riêng
  • Các thành viên phải hoàn thành nhiệm vụ riêng để “ghép” nên một bức tranh học tập hoàn chỉnh
  • Nhóm trưởng là người phân công nhiệm vụ và đánh giá hiệu suất của thành viên (với sự góp ý của tất cả thành viên khác)
  • Giao tiếp
  • Giải quyết xung đột
  • Làm việc độc lập 
  • Lãnh đạo
  • ….

Tiến trình của học tập hợp tác:

10. Thách thức của phương pháp học tập hợp tác

Mặc dù phương pháp cooperative learning: học tập hợp tác mang lại nhiều lợi ích nhưng cũng đặt ra một số thách thức. Một vài giáo viên nhận thấy, học tập hợp tác có thể giảm hiệu quả nếu sử dụng quá thường xuyên hoặc không đúng cách. 

Ví dụ:

  • Một số học sinh làm việc độc lập tốt hơn làm việc nhóm và cảm thấy áp lực khi phải giao tiếp với những người bạn không thân quen.
  • Trách nhiệm không dàn đều giữa các thành viên nhóm và người lãnh đạo không đủ cương quyết để thúc ép những cá nhân thiếu trách nhiệm hơn.

Bên cạnh đó, thách thức lớn nhất của phương pháp học hợp tác là việc phân bổ các nhóm sao cho một nhóm hội tụ các thành viên có kỹ năng có thể bù trừ lẫn nhau. Việc thực hiện cũng khá khó khăn và đòi hỏi thầy cô thật sự hiểu học trò của mình.

Trên thực tế, thầy cô thường xếp nhóm một cách ngẫu nhiên hoặc để học sinh tự chọn nhóm dẫn đến kết quả chưa đạt hiệu quả tối ưu hoặc các nhóm xảy ra xung đột, bất đồng.

Video ngắn dưới đây thể hiện một số thách thức của học tập hợp tác và cách giải quyết:

11. Lời khuyên hàng đầu về học tập hợp tác

Ứng dụng một phương pháp giảng dạy đúng cách thì mới thu về kết quả mong đợi, học tập hợp tác cũng không ngoại lệ. Trong quá trình tổ chức các hoạt động học tập hợp tác, có một số lưu ý FLYER mong quý thầy cô cân nhắc.

Cooperative Learning (Học tập hợp tác)
Lời khuyên học tập về học tập hợp tác cần lưu ý!
  • Không nên bắt đầu tiết học bằng một hoạt động học tập hợp tác: Lý do là bởi đầu tiết học, học sinh chưa thật sự tập trung. Thay vào đó, thầy cô nên thu hút sự chú ý bằng một đoạn video, một câu chuyện thực tế hoặc một slides bài giảng,…
  • Bắt đầu với những nhóm lớn: Thầy cô khó lòng theo dõi nhiều nhóm nhỏ cùng một lúc. Vì vậy, việc chia lớp thành những nhóm lớn giúp việc quan sát, hướng dẫn trở nên dễ dàng hơn. Tuy nhiên, mức độ lớn cũng nên nằm ở mức vừa phải, tránh gây loãng giữa các nhóm.
  • Khuyến khích học sinh chia sẻ ý tưởng: Đây là cách dễ dàng để khơi dậy cuộc thảo luận của cả lớp và mang lại thêm nhiều ý tưởng mới. 
  • Lập danh sách các hoạt động hợp tác cụ thể: 1 tiết học chỉ kéo dài 45 phút – 1 tiếng, một “to-do-list” về hoạt động hợp tác hẳn sẽ giúp thầy cô quản lý thời gian hiệu quả hơn.
  • Quan sát hiệu quả của chiến lược: Học sinh phản ứng thế nào với từng hoạt động? Học sinh thường gặp những trở ngại nào trong quá trình tham gia? Thầy cô cần trả lời rõ những câu hỏi này để điều chỉnh và cải tiến chiến lược học tập hợp tác trong tương lai.

12. Tổng kết

Bài viết tổng hợp một vài thông tin quan trọng về cooperative learning (học tập hợp tác) FLYER muốn gửi tới quý thầy cô. Có thể nói, việc triển khai phương pháp học tập hợp tác không quá phức tạp mà vẫn mang lại hiệu quả cao nếu được ứng dụng đúng cách. Ngày nay, những bài giảng truyền thống có thể khó thu hút thế hệ học sinh thời 4.0. Vì vậy, thầy cô hãy cân nhắc đan xen các hoạt động học tập hợp tác trong tiết học để xây dựng cho học sinh bộ kỹ năng cần thiết. FLYER chúc thầy cô thành công.

>>> Xem thêm:

RELATED ARTICLES
Subscribe
Notify of
guest
0 Comments
Inline Feedbacks
View all comments

Most Popular

Recent Comments

0
Would love your thoughts, please comment.x
()
x